Hãy nghĩ cơn đau của bạn như là “chuông báo nguy”, là một tín hiệu được thiết kế để khiến bạn chú ý, để thúc giục bạn thoát khỏi nhân tố gây ra cơn đau. Rốt cuộc cơn đau cũng là một mối nguy hại tiềm tàng – có thể đồng nghĩa với thương tích hay thậm chí tử vong. Do đó, bản thân cơn đau mang một mục đích hữu ích vì chức năng của nó là để giữ an toàn và sống sót cho bạn. Chẳng hạn cơ chế này vận hành rất tốt khi bạn bị đứt tay trong khi thái rau cho bữa ăn tối.
Khi cơn đau trở thành mãn tính, cơn đau reo chuông báo động một cách thường xuyên, thậm chí liên tục.
Còn những cơn đau mãn tính thì sao? Theo American Academy of Pain Medicine (viện hàn lâm về thuốc trị đau của Mỹ), hơn 100 triệu người Mỹ đang sống với tình trạng đau mãn tính, chẳng hạn như đau cơ, đau nửa đầu, hoặc đau lưng. Khi nỗi đau trở thành mãn tính, cơn đau reo chuông báo động một cách thường xuyên, thậm chí liên tục. Làm thế nào để bạn thoát khỏi những vấn đề xảy ra bên trong cơ thể?
Đau đớn là do bộ não phát ra.
(Syda Productions / Shutterstock)
Mọi người thường nghĩ về cơn đau hoàn toàn như là một trải nghiệm về cảm giác – có nghĩa là một cảm giác về thể chất rất khó chịu – và họ có xu hướng lờ đi khía cạnh tâm lý của cơn đau.
Không quan trọng là nguyên nhân nào gây ra cơn đau, không quan trọng là nơi nào trong cơ thể bạn cảm thấy đau, những cơn đau đó đều được xử lý trong hệ thống thần kinh trung ương được điều khiển bởi bộ não và tủy sống. Người ta thường nghĩ rằng cơn đau nằm ở bộ phận cơ thể ngay chỗ mà bạn thấy đau, như đau lưng thì cơn đau là ngay chỗ lưng của bạn. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người đã phải phẫu thuật vì đau lưng, thì cơn đau lưng của họ thực sự là nằm ở trung ương, trong hệ thần kinh.
Bộ não và toàn bộ hệ thần kinh bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ của bạn, cảm xúc của bạn, niềm tin của bạn, bộ nhớ của bạn, và môi trường xung quanh bạn. Sự thật là, mức độ đau mà bạn cảm thấy sau khi phẫu thuật được quyết định chủ yếu bởi tâm trạng của bạn và các yếu tố tâm lý khác.
Điều này không có nghĩa là cơn đau của bạn là không có thật. Nó có nghĩa là đau cơ bản là một hiện tượng tâm lý. Đối với tất cả mọi người. Việc chỉ chăm chú nghĩ rằng cơn đau là một vấn đề cảm giác đã góp phần dẫn đến chỉ định dùng quá liều thuốc giảm đau.
Chúng ta đã và đang điều trị cơn đau không đúng cách.
Trong thực tế, ngành tâm lý học được đưa vào định nghĩa của cơn đau. Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu cơn đau định nghĩa cơn đau như là “… một trải nghiệm về cảm giác và cảm xúc có hại.” Nếu điều trị đau chỉ từ quan điểm vật lý thì đã bỏ qua phân nửa định nghĩa về cơn đau. Nếu chúng ta điều trị chỉ phân nửa của bất kỳ bệnh nào, chúng ta có ngạc nhiên khi việc điều trị không được tốt không?
Đau đóng vai trò như một tác nhân gây áp lực lên hệ thống thần kinh và tâm trí. Nó gây ra những thay đổi trong hô hấp và nhịp tim của bạn, làm tăng tình trạng căng cơ, co thắt mạch máu, và có thể gây ra sự lo lắng, sự tập trung quá nhiều vào cơn đau, và cảm giác bơ vơ.
Bạn có thể học các kỹ năng cụ thể để làm dịu hệ thần kinh, qua đó làm giảm cường độ xử lý cơn đau trong não và tủy sống. Nếu sử dụng thường xuyên, những kỹ năng này có thể đạt hiệu quả giống như thuốc làm dịu cơn đau và giảm các phiền muộn liên quan.
Bốn lời khuyên làm dịu hệ thần kinh nhằm kiểm soát cơn đau
(Dingzeyu Li / Unsplash)
1. Hãy xem xét kỹ lưỡng về những tác nhân gây đau và xử lý stress.
Stress làm cơn đau thêm cường đại, vì vậy giảm stress là điều rất quan trọng. Bạn không thể kiểm soát được hoàn cảnh đã gây ra stress, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của bạn. Hãy học cách ít phản ứng và bạn sẽ thấy rằng bạn có khả năng kiểm soát lớn hơn nhiều.
2. Chú ý tới hơi thở.
Tập thay đổi nhịp thở của bạn để nó trở thành thở “bụng” thật sâu (còn gọi là thở bằng cơ hoành). Thực hành thở bụng vài lần mỗi ngày. Kiên trì với thở bụng và vứt bỏ kỳ vọng rằng nó sẽ thay đổi cơn đau của bạn ngay tức khắc. Nhắc nhở bản thân rằng mục tiêu trước hết là để lập trình lại hệ thống thần kinh của bạn; sự giảm đau sẽ đến sau.
3. Học thiền.
Thiền giúp bạn kiểm soát bộ não và giúp bạn ít tập trung hơn vào cơn đau từ đó trực tiếp làm giảm sự đau đớn và chịu đựng. Nếu thực hành thường xuyên, thiền sẽ là liều thuốc giảm đau rất có uy lực.
4. Khai thác sức mạnh của ý nghĩ và cảm xúc!
Ý nghĩ và cảm xúc mỗi ngày có ảnh hưởng sâu sắc tới cơn đau của bạn. Điều này có nghĩa là bạn càng tập trung vào cơn đau, thì nó càng trở nên đau đớn hơn.
Với liệu pháp nhận thức hành vi và tâm lý học về sự đau đớn, bạn có thể học cách nhìn sự việc khác đi để tạo ra một tiến trình tích cực dẫn tới việc bớt đau. Hãy xem xét việc đi gặp một nhà tâm lý học về cơn đau, nhà tâm lý sức khỏe, hoặc điều trị viên có tay nghề cao trong liệu pháp hành vi nhận thức cho cơn đau mãn tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét