Nguyễn Vĩnh Long Hồ
- Những công nhân XKLĐ sang Malaysia làm việc, họ bị lực lượng bảo vệ, tịch thu hết giấy tờ tùy thân, sống lang thang đầu đường xó chợ, không tiền mua vé máy bay hồi hương, một số người bị cảnh sát Malaysia bắt giam như một tội phạm, một số phụ nữ phải sa chân vào chốn lầu xanh rẻ tiền để sống lây lất qua ngày trên xứ người, nên có một số chị em vướng phải bệnh AIDS chết bỏ thay nơi xứ lạ quê người đã nói lên thảm cảnh địa ngục trần gian, tủi nhục và phẫn hận của người công nhân XKLĐ Việt Nam, thân phận của họ không khác gì thân phận của người Phi Châu bị bán làm nô lệ ở Tân Thế Giới vào thời xa xưa...
*
Vào thế kỷ thứ 15, bọn con buôn Tây Ban Nha bắt cóc người Phi Châu, rồi chở họ đem bán cho Tân Thế Giới làm nô lệ. Người nô lệ da đen bắt đầu vào Hoa Kỳ từ năm 1696. Thảm cảnh người nô lệ da đen kéo dài kiếp sống nông nô trong các đồn điền miền nam Hoa Kỳ là địa ngục trần gian, nó thách thức lương tâm người Mỹ chân chính và họ phải chấp nhận nội chiến để giải quyết vấn nạn của lương tâm.
Vào cuối thập niên của Thế kỷ thứ 19, vua nước Bỉ là “King Leopold II” dùng quân đội đi săn lùng dân bản xứ “Congo” làm nô lệ, cạo mủ cao su hoang dã trong rừng cho đến khi kiệt sức và cứ thế hàng hàng lớp lớp người nằm xuống. Khoảng 10 triệu người đã chết trong rừng núi hoang dã. Ông ta thu được một tài sản khổng lồ trên xương máu của người nô lệ Congo.
Hannah Arendt viết trong cuốn: “The Origins of Totaliarianmism” (Những cội nguồn của chủ nghĩa toàn trị) đưa ra con số phỏng đoán là 12 triệu người Congo đã chết. Khi Mobutu Sese Seko trị vì từ năm 1965-1997, đổi tên nước là Zaire và đòi đất nước trả ơn ông ta là 4 tỷ USD, hơn mấy lần tài sản của vua Bỉ Leopold II vào lúc đó. Bạo chúa Mobutu, gia đình và đám viên chức cận thần trong chính quyền thối nát đã vắt cạn kiệt sinh lực của xứ sở họ còn thê thảm hơn thời kỳ 80 năm dưới chế độ thực dân thuộc địa.
Hình thức buôn nô lệ vào Thế kỷ 21 vẫn còn tồn tại ở nước VNCS dưới hình thức buôn nô lệ kiểu mới, thủ đoạn bóc lột sức người lao động nghèo tinh vi hơn, tàn nhẫn hơn, ĐCSVN gọi đó là “xuất khẩu lao động”.
Con người được xuất khẩu ra nước ngoài làm nô lệ không cần phải đông lạnh như con tôm, con cá. Xuất khẩu lao động được ĐCSVN xem là một quốc sách, một “cơ hội vàng” để tập đoàn Mafia CSVN vắt cạn kiệt sinh lực đất nước còn dã man và tàn nhẫn hơn cả vua Bỉ King Leopold II & tập đoàn gia đình trị Mobutu Sese Seko.
Ngày 6/12/2012, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Hoàng Ngọc Thanh - Tổng Liên đoàn Lao Động VN (TLĐLĐVN) - tổ chức Hội Nghị Tổng kết 4 năm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục... Mục tiêu của “Đề án 3” do chính phủ giao cho TLĐLĐVN là đến hết năm 2012, phải phấn đấu đạt chỉ tiêu 70% tức 4 triệu công nhân xuất khẩu lao động.
Theo báo cáo của Tổ chức Walk Free Foundation, “The Global Slavery Index 2013” thì Việt Nam có 248.705 người VN được xem là nô lệ. Tổ chức WFF hy vọng việc công bố bản báo cáo nầy sẽ giúp các nước nghèo theo dõi và giải quyết nạn nô lệ thời hiện đại mà tổ chức nầy gọi là một “Tội ác được bao che”.
Nô lệ thời hiện đại là hình thức nô lệ kiểu xa xưa, cộng với những thảm cảnh lao động khổ sai để trừ nợ, ép buộc những cuộc hôn nhân, buôn bán trẻ em, buôn người và lao động cưỡng bách.
Theo RFA đưa tin ngày 1/11/2013, tổng số người lao động VN được xuất khẩu đi làm nô lệ ở nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2013 là 70.200 người. Như vậy, con số trên đã gần đạt ngưỡng 80.000 như mục tiêu do ĐCSVN đặt ra. Chỉ riêng trong tháng 10 đã có gần 7.500 lao động được xuất khẩu.
Trong năm 2012, VN đã gởi đi tổng cộng xuất khẩu khoảng 80.000 lao động làm việc tại các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia chiếm đến 70%. Theo Cục Quản lý Lao động nước ngoài, hiện tại có tới 4.500.000 người VN bị xuất khẩu đang làm nô lệ ở 100 quốc gia khác nhau. Ngược lại, có khoảng trên 1.000.000 công nhân Tàu khựa sang VN làm lao động chui...
ĐCSVN rất phấn khởi vào WTO, xem như cơ hội bằng vàng cho XKLĐ ồ ạt ra nước ngoài làm nô lệ để kiếm ngoại tệ. Năm 2004, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 67.000 lao động (vượt chỉ tiêu 7.000 người), hàng năm con số tăng dần đến mức độ chóng mặt là 4.500.000 có mặt trên 100 quốc gia khác nhau.
Đối với ĐCSVN, việc xuất khẩu lao động là một hình thức kinh doanh “không cần vốn”, một dịch vụ vô cùng béo bở nên Đảng và Nhà nước CSVN quyết liệt bám chặt lấy để khai thác và bóc lột xương máu mồ hôi và nước mắt của giai cấp công, nông dân Việt Nam trên địa bàn toàn quốc một cách khốc liệt. Thủ đoạn gian ác của bọn đầu gấu lãnh đạo ĐCSVN còn xảo quyệt và tinh vi hơn gắp mấy lần Vua Bỉ Leopold II và bạo chúa Mobutu. Xương máu của người nghèo khổ VN đang bị vắt cạn kiệt dưới ba tầng áp bức và bóc lột dưới chế độ CSVN.
Bởi chế độ độc tài toàn trị bất lực vì quốc nạn tham nhũng hết thuốc chữa, không còn khả năng lãnh đạo trong việc quản trị đất nước, không tạo nỗi công ăn việc làm cho người dân trong nước, nên người nghèo nào cũng muốn bán sức lao động làm việc cho các công ty hãng xưởng nước ngoài và đều phải miễn cưởng chịu chi một khoảng tiền hối lộ cho các cơ quan chính quyền liên hệ và bọn môi giới, bọn cò mồi mới giành được một chỗ bán thân, tình nguyện đi làm nô lệ xứ người.
Cục Quản lý Lao Động với nước ngoài trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chuyên lo dịch vụ XKLĐ. Ngoài ra, một nghiệp vụ XKLĐ của QĐNDVN cũng rất quan trọng, nó trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng. Bạo quyền CSVN là bọn “ngồi mát ăn bát vàng” vừa ăn hối lộ, vừa thâu lợi nhuận từ các hợp đồng XKLĐ với các đối tác nước ngoài, vừa ăn chận đô la của người XKLĐ từ nước ngoài gởi về.
Các công ty nước ngoài thuê mướn XKLĐ phải trả 40% cho nhà nước CSVN và 10% cho công ty môi giới. Thí dụ: Mức lương của một người XKLĐ tại Hàn Quốc là 600 USD/tháng. Sau khi trừ hết chi phí, phần còn lại là 300 USD.
Trung bình một người công nhân lao động muốn bán thân làm nô lệ cho các công ty nước ngoài, họ phải làm việc ít nhất 2 năm mới trả hết số nợ vay lúc ban đầu, năm thứ ba mới có lợi nhuận thì hợp đồng sắp hết hạn.
Hiện nay, Đảng & Nhà nước CSVN mở hết công suất hệ thống tuyên truyền, cơ quan tín dụng khuyến khích và động viên công nhân & nông dân nghèo vay tiền để làm thủ tục đi XKLĐ, làm bùng lên phong trào cực kỳ quy mô, săn lùng người lao động trong tình trạng thất nghiệp, không có công ăn việc làm, còn nông dân bị bọn cường hào ác bá địa phương cướp hết điền sản nên không còn đất cày. Chiến dịch săn lùng XKLĐ được phát triển rầm rộ như hiện nay, còn hơn cả thời bọn thực dân Tây Ban Nha săn đuổi người nô lệ da đen vào thế kỷ 15 & 16 để bán qua Tân Thế Giới.
Tính đến cuối năm 2012, trên toàn quốc đã thành lập “40 Tổ Tư vấn Pháp Luật”, có “154 doanh nghiệp” nhà nước chuyên làm dịch vụ XKLĐ và mạng lưới có trên “1.000 chi nhánh” hoạt động trên 45 tỉnh, thành phố... kinh doanh trên xương máu, mồ hôi và nước mắt của những người cùng khổ một cách tàn nhẫn.
Trong 4 năm qua (2009-2012), Tổng LĐLĐVN hỗ trợ kinh phí thành lập 40 tổ Tư vấn Pháp luật tại một số địa phương có đông công nhân lao động nghèo, sống trong các khu công nhân, khu cư xá ổ chuột... các tổ tư vấn lao động này phối hợp với công nhân tự quản khu nhà trọ để tuyên truyền pháp luật và quyền lợi cho công nhân vào giờ tan ca, giờ nghỉ trưa hoặc tại khu nhà trọ... điều quan trọng là cán bộ tư vấn pháp luật, vận độngchủ nhân các hãng xưởng, cho họ tiếp xúc với giới công nhân lao động ngay tại cơ sở sản xuất. Qua đó, lựa chọn thời điểm thích hợp để tập hợp các công nhân lao động để giải thích chính sách XKLĐ của Nhà nước và giải đáp những thắc mắc nếu có.
Một trong những hoạt động tuyên truyền phổ biến của Tổng LĐLĐVN là hướng dẫn thành lập các tổ “công nhân tự quản”. Tính đến năm 2012, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 3.000 tổ công nhân tự quản đang hoạt động. Riêng tại Sài Gòn có trên 2.400 tổ.
Thông qua các tổ công nhân tự quản, khu nhà trọ, phối hợp với công an khu vực, các ngành nghề tổ chức, các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho công nhân XKLĐ tại các địa phương có đông công nhân lao động.
Công nhân XKLĐ đi làm nô lệ xứ người bị ngược đãi tàn tệ: Chính những người XKLĐ này là nhân chứng, chứng kiến cảnh bị đày ải như nô lệ của nhau và đã được bày tỏ để cảnh báo những người nào muốn bán thân đi làm nô lệ xứ người. Sau đây chỉ là những trường hợp điển hình.
Nam Hàn:
Các công ty Nam Hàn chỉ sử dụng công dân VN vào các ngành hóa chất độc hại để bảo vệ sức khỏe cho công nhân bản xứ. Ngành công nghiệp đó gọi là 3D: “Difficult - Dirty - Dangerous” (khó khăn- dơ bẩn - nguy hiểm). Cực nhọc và nhục nhã nhất là làm phu trên các tàu đánh cá của họ. Họ phải làm quần quật liên tục từ 24 tới 36 tiếng và chỉ nghỉ được 4 tới 5 tiếng. Nếu làm việc liên tục 48 tiếng thì được nghỉ 6 tiếng. Khủng khiếp nhất là làm việc từ 13 tới 16 tiếng liên tục trong các hầm nước đá lạnh dưới -60 độ âm.
Có người chịu không nổi phải sặc máu mũi, máu họng trào ra tại hầm nước đá. Ngoài ra, các tên “cọp rằn” dữ dằn như cọp, lúc nào cũng lăm le gậy sắt, sẵn sàng đập, quất vào những người nô lệ Việt Nam không thương xót.
Chắc hẳn chúng ta chưa quên vụ chủ hảng may “Darwoosa” của Đại Hàn trên đảo Samoa trước đây đã bị chánh phủ Hoa Kỳ bỏ tù vì quịt lương của 250 thợ VN và đánh đập, giam giữ trái phép, bớt khẩu phần ăn và chỗ ở cho công nhân VN theo tiêu chuẩn súc vật.
Mã Lai:
Vô địch man rợ nhất, có lẽ thuộc về công ty Yikon Jenellry Industry ở Malaysia. Trong lúc đang làm việc, 3 nữ công nhân VN tên Nguyễn Thị Sữa, Trần Thị Điểm và Hồ Ngọc Dương bị một nhóm người quản lý của Yikon gọi lên phòng làm việc. Sau đó dùng hành động bạo lực, túm tóc lôi kéo, đánh vào mặt, đạp vào ngực bụng, có người bị đánh đến ngất xỉu rồi mới gọi cảnh sát tới áp giải, đưa ra sân bay trục xuất về VN, mà trên người chỉ có một bộ đồ công nhân đang mặc mà thôi. Lý do, họ chỉ yêu cầu tăng thêm giờ để bảo đảm thu nhập mà họ bị ép vào tội đình công.
Không thấy công ty XKLĐ tên Sovilaco (Quận 3) giải quyết quyền lợi và sứ quán VN tại Malaysia không dám lên tiếng phản đối để giúp công nhân XKLĐ khiếu nại chủ hãng Yikon. Vô trách nhiệm đến thế là cùng vì tiền thầy đã bỏ túi, còn sống chết mặc bây!
Hiện nay, có khoảng trên 120.000 công nhân XKLĐ Việt Nam đang lao động theo hợp đồng tại xứ sở man rợ này. Ngay khi đặt chân tới phi trường, mọi giấy tờ tùy thân của họ đều bị tịch thu; vì vậy, trong thời gian làm việc, nhiều công nhân VN bị chủ nhân Mã Lai tha hồ đánh đập họ tàn nhẫn như súc vật, bỏ đói, khủng bố tinh thần, sách nhiễu tình dục.
Ngoài ra, giới chủ nhân còn khất nợ, cuối cùng quịt nợ bằng cách sa thải họ không có lý do, rồi mới báo cho cảnh sát. Theo luật tại Malaysia, các công nhân không có giấy tờ tùy thân sẽ thành những người cư trú bất hợp pháp và sẽ bị trục xuất trong 24 giờ nên họ không cách nào khiếu kiện bọn chủ nhân mọi rợ để đòi lương.
Tờ The Star của Malaysia số ra tháng 3/2 đưa tin về thảm cảnh của 42 người phụ nữ XKLĐ Việt Nam, sống tại thành phố George Town, bán đảo Penang, Malaysia. Họ sống trong một căn hộ 4 phòng, mỗi phòng chỉ đủ chỗ cho 5 người và tất cả chỉ có một chỗ đi vệ sinh duy nhất. Họ từ VN sang Malaysia lao động nhưng đang không có việc làm, không có tiền gởi về nhà trả nợ và giúp gia đình trong khi hộ chiếu đã hết hạn.
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí nói về cuộc sống bi kịch của công nhân XKLĐ Việt Nam ở Malaysia. Nếu tiếp tục ở lại thì phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp mà muốn trở về nước càng khổ nhục hơn vì nợ nần chưa trả, nên họ phải nhắm mắt buông xuôi với kiếp sống phiêu bạc giang hồ. Nữ công nhân XKLĐ Việt Nam phải làm nghề mại dâm rẻ tiền để mưu sinh, đó là nghề rất phổ biến ở Malaysia.
Một Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vô cảm. Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng bộ nầy tiết lộ từ năm 2004 đến nay có khoảng 400 ca đột tử, trung bình cứ 6 người thì có 1 người XKLĐ chết. Ông cho biết: “Hiện nay có khoảng 120.000 người XKLĐ đang làm việc tại Malaysia, nguyên nhân chất lượng khám sức khỏe kém, không quen với nếp sống đô thị hiện đại, tác phong làm việc công nghiệp nên thường xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông? Tất cả đều chối bỏ sự thật là công nhân XKLĐ bị ngược đãi, hành hạ và làm việc quá sức lao động, bằng chứng là có người bị đột tử trong nhà vệ sinh.
Đài Loan:
Các hãng Đài Loan đối xử với công nhân XKLĐ Việt Nam tàn nhẫn không thua Đại Hàn và Malaysia. Hãng Bi - Shiang Enterprise tại làng Sha-Kun, thành phố Hsinchu chuyên sản xuất xe lăn bán sang Canada & Pháp.
Ngoài công nhân địa phương, họ mướn thêm 18 nữ công nhân XKLĐ Việt Nam.
Theo sự tố cáo của Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hope Worker’s Center tại Chungli: Các nữ công nhân VN bị cấm ra khỏi hãng sau giờ làm việc, ngày nghỉ không được thăm viếng bạn bè.
Theo luật lao động, công nhân được cung cấp chỗ ở và thức ăn miễn phí, nhưng bọn chủ nhân tự động trừ tiền mua thực phẩm mỗi tháng 2.500 Đài tệ. Hãng chỉ trả lương công nhân 3 tháng/ một lần; thay vì phải trả hàng tháng theo đúng luật. Mỗi cô thợ VN đã bị chủ hãng bắt buộc phải hầu bàn cho các công nhân Đài Loan như bọn đầy tớ hầu hạ bọn quí tộc Đài Loan thời phong kiến.
Vào tháng 2/2005, chính quyền Costa Rica cho biết 6 thủy thủ người VN trong một tàu cá Đài Loan đến cảng Puntarenas đã bỏ trốn khỏi tàu. Họ đã tố giác rằng, họ đã bị tên thuyền trưởng Đài Loan ngược đãi, đánh đập, tra tấn dã man và nhờ chánh quyền sở tại bảo vệ an ninh cho họ. Chỉ huy trưởng sở tại là Luis Diego Solano cho biết, không ai muốn ở lại Costa Rica mà muốn trở về VN. Điều kiện sống và làm việc trên các tàu cá Đài Loan nổi tiếng là tàn tệ, năm nào cũng có những thủy thủ trên tàu đánh cá nổi loạn, cướp tàu, thậm chí giết cả thuyền phó, như vụ xảy ra năm 2002 trên chiếc “Full Means 2” ngoài khơi biển Hawaii.
Ngày 5/10/2009, các thủy thủ VN nổi loạn trên tàu cá Đài Loan tại Nam Phi, đã dùng dao uy hiếp thuyền trưởng và sau đó bị cảnh sát Nam Phi bắt giữ. Cảnh sát Nam Phi ghi nhận rằng, họ làm như vậy vì họ đã bị tên thuyền trưởng Đài Loan đánh đập họ vô cùng dã man trong nhiều tháng liền trên biển. 10 người trên tàu Balena đã trói thuyền trưởng và tấn công thuyền phó ngoài khơi biển Nam Phi. Các thủy thủ VN đã hành động trong cơn tuyệt vọng sau nhiều tháng bị thuyền trưởng người Đài Loan đánh đập và ngược đãi tàn tệ. Sự kiện đã xảy ra vào tháng 8/2013, có 4 thuyền viên XKLĐ Việt Nam tố cáo họ bị hành hạ như nô lệ và phải trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan ở vùng biển của Pháp và đã về tới VN vào tối 12/8/2013.
Theo tin của Vietnamese Missionaries in Taiwan, thân phận của các thiếu nữ XKLĐ sang Đài Loan làm công việc nội trợ (domestic helpers) hoặc giúp đỡ người già, bệnh nhân, các cô được gọi là “osin” thân phận đày tớ không hơn gì thân phận nô lệ, thật khốn khổ và nhục nhã, có khi còn bị sách nhiễu tình dục. Các cô phải làm việc quần quật từ 2, 3 giờ sáng đến 10 giờ đêm cực như một con chó... ăn phải ăn
sau chủ nhà, thường là loại “cơm thừa canh cặn” của gia đình nhà thải ra, dành cho người “osin” và cho chó ăn.
Số phận của người công nhân XKLĐ tại Đài Loan hoàn toàn lệ thuộc quyền sinh sát của người chủ của mình vì trong hợp đồng XKLĐ có khoảng ghi là: “Người công nhân hoàn toàn do chủ xử lý và sử dụng”. Nói trắng ra, đây là hình thức “bán đứng dân XKLĐ làm nô lệ cho ngoại nhân”,
sống chết mặc bây của ĐCSVN. Người công nhân XKLĐ không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì, kể cả quyền xin chủ nhân đối xử với họ như một con người chớ không phải súc vật...
Saudi Arabia:
Ngày 1/1/2015, chị Vinh về tới Việt Nam. Chị Vinh kể: “Lúc sang làm việc cho chủ thứ hai, chị đã phải làm cả việc nhà của mẹ bà chủ, buộc phải dọn dẹp liên tục, ngày chỉ được ngủ 3-4 tiếng. Nếu mệt quá ngồi nghỉ thì bị gọi chửi, có người bị chủ nhổ nước bọt lên đầu. Ăn chỉ có ăn cơm với ớt, không có thịt, có lúc phải nhặt xương trong thùng rác lên ăn. Không chịu nổi cảnh đời làm nô lệ, chị đòi về nước thì bị chủ nhốt trong phòng một tuần liền, không cho ăn uống. Chị Vinh còn bị chủ nhà cùng mấy người đánh đập, bỏ sỏi vào miệng, lấy lửa bật đốt trước mặt...”
Khi bị họ đánh đập tàn nhẫn, em gọi điện về cho chị Trang (Cty Vĩnh Cát). Chị Trang nói: “Muốn trở về nước phải nộp 58 triệu đồng,” em không chịu, chị ta nói: “Thế thì đừng làm phiền chị ấy nữa!” Thế rồi, công văn số 259 ngày 10/12/2014 của Cty Vĩnh Cát cho rằng: “Chị Vinh muốn về nước, nhưng không muốn bồi thường, nên đã giở các chiêu trò, thủ đoạn... vu cáo chủ ngược đãi là không đúng”.
Sau cùng, chị Vinh khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng kịp thời giải cứu nhiều nữ XKLĐ bị kẹt tại Saudi Arabia do không thể chịu đựng được cảnh bị ngược đãi, nhưng không thể về nước vì gia đình quá nghèo không có tiền nộp phạt cho Cty XKLĐ Vĩnh Cát.
Jordan:
Cuối tháng 2/2008, có một số nữ công nhân VN được XKLĐ sang Jordan bị đánh đập tàn tệ. Gần 200 công nhân VN được một hãng may mặc Đài Loan tên W&D Apparel qua môi giới ở VN đã được đưa sang ngoại ô Amman, thủ
đô Jordan, với lời hứa sẽ trả 220 Mỹ kim/ tháng. Nhưng khi tới nơi, các công nhân XKLĐ bị tịch thu hết cả giấy tờ tùy thân, phải lao động 16 tiếng một ngày, chỉ được trả từ 80 - 150 USD/ tháng.
Đa số các công nhân XKLĐ đình công, chủ nhân người Đài Loan xua nhân viên bảo vệ với sự hổ trợ của cảnh sát sở tại hành hung dã man, kể cả những người đang nằm trên giường bệnh, có người bị chúng nắm đầu quật vào thành giường đến bất tỉnh.
Nô Lệ Tình Dục:
Mới đây, mụ tú bà Trần thị Mỹ Phương và chồng là Tsai Hsein, người Đài Loan đã khai trước vành móng ngựa đã bán 126 cô gái VN sang Mã Lai với giá 1.800 USD một cô. Tại tỉnh Hà Tây, một cặp uyên ương buôn người tên Trần Thị Tình và Phạm Thế Dân đã khai bán phụ nữ VN sang Hoa Lục với giá bèo 1 triệu đồng (50 USD) mỗi cô gái. Và số cô dâu VN tại Hoa Lục ước tính hàng trăm ngàn người. Trong số nầy, có không ít đã vào lò “mổ nội tạng” của bọn kinh doanh đẫm máu trên xác người.
Tờ báo Apple Daily Taiwan đưa tin: “Một cô dâu VN tên Tuân, 20 tuổi đã bị người chồng độc ác đâm kim vào các đầu ngón tay, rồi nhúng vào nước muối. Cô bị hắn lấy ná thung bắn vào mí mắt, đập bằng gậy và lấy dao cứa chằng chịt vào lưng. Theo hồ sơ của tòa án, hung thủ tên Liu Cheng Chi, 39 tuổi và tòng phạm cũng là vợ của y (giả ly dị) tên Lin Li Ju, vì muốn có con trai nên cho Liu về VN cưới vợ.
Khi cô Tuân sang Đài Loan mới vỡ lẽ, họ vẫn sống chung với nhau thì cuộc hành hạ bắt đầu. Ngoài chuyện bị đánh đập dã man, cô Tuân còn bị bỏ đói, một ngày chỉ ăn được một bữa cơm. Sau nửa năm bị cực hình tra tấn đủ mọi kiểu, cô chỉ còn 20 kg da bọc xương. Lin sợ cô chết nên chở cô bỏ giữa đường. Cô Tuân đã lết tới một tiệm ăn gần đó để xin ăn và may mắn được cảnh sát sở tại chở vào nhà thương cứu cấp.”
Tính đến năm 2006, tại Đài Loan có trên 100.000 cô dâu VN và công nhân XKLĐ, so với năm 1999 chỉ có 21 người. Hầu hết cô dâu VN là người ĐBSCL. Ê chề nhất là cảnh “chợ người”, các cô gái công nhân XKLĐ Việt Nam bất hạnh bị bày bán công khai, người ta tranh nhau trả giá, rồi thì các cô bị lôi kéo, xô đẩy, sỉ vả, khinh bỉ, nhưng các cô cắn răng chịu đựng vì các công ty môi giới XKLĐ của VN, họ chỉ cần thâu được lợi nhuận là họ phủi tay, họ bất cần thân phận người XKLĐ ra nước ngoài làm việc, sống chết mặc bây, không có ai bảo vệ họ.
Người nữ công nhân XKLĐ bị bày bán như một món hàng người nô lệ. Nhiều trường hợp mua vợ để thỏa mãn thú tính như trường hợp cô PTT, 28 tuổi, quê ở Nghệ An, trong một tháng phải đi làm thuê cho 8 ông chủ. Chị bị luân phiên hãm hiếp mà không dám khai báo vì công ty môi giới giữ hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của chị. Họ còn hù dọa sẽ trục xuất cô về VN. Nhiều công ty môi giới ở Việt Nam đã móc ngoặc với những công ty môi giới bên Đài Loan để họ tha hồ bóc lột sức lao động của công nhân XKLĐ Việt Nam và bảo đảm không bị thưa gởi hay phản đối vì tiền vé máy bay, tiền nghĩa vụ, thủ tục lót đường lên đến vài ngàn đô la, nên khi họ gặp những chuyện áp bức, họ cũng không dám lên tiếng.
Cô dâu Việt Nam “for sale”:
Nhóm nghiên cứu thực trạng hôn nhân Đài Loan của viện Khoa Học Xã Hội tại Sài Gòn cho biết: “Qua cuộc phỏng vấn trực tiếp 200 cô gái từ 18 tới 21 tuổi, đang lập thủ tục lấy chồng Đài Loan, cho thấy 40% cô dâu VN chỉ học hết lớp 1 (có tới 8% mù chữ), còn lại học hết cấp II. Trên 63%
cô dâu VN do môi giới qua đường dây “CÒ”. Số tiền gia đình mỗi cô dâu nhận được sau khi cưới khoảng 500 - 1000 Mỹ kim. Thời gian cô dâu VN gặp chú rể Đài Loan chỉ trong vòng 1 tuần tới 3 tháng là cùng. Các chú rể Đài Loan ngang nhiên mua “cô dâu VN” một cách công khai, rồi đem
về Đài Loan để biến cô dâu thành “nô lệ tình dục” cho cả gia đình nhà họ, xài chán chê rồi bán cho lầu xanh ở Cao Hùng hay Đài Bắc, có khi bán cho các lò mổ nội tạng, chẳng những họ lấy được vốn mà còn được lãi “nhất bản vạn lợi”.
Triển lãm cô dâu VN ngay giữa hội chợ Singapore:
Chắc hẳn chúng ta chưa quên được sự kiện vào ngày 16/3/2005 có cuộc triển lãm cô dâu VN ngay giữa Hội chợ Singapore làm cho các hội tranh đấu nữ quyền trên thế giới hết sức bất mãn, khi nhìn thấy những người con gái VN bị đem ra làm những mối hàng bày bán như “thú vật” tại một hội chợ ở Singapore để quảng cáo cho chương trình đi VN lấy vợ ở quốc gia nầy.
Gian hàng có bày hàng 3 cô gái VN mang tên “Trung tâm hôn nhân trái tim hạnh phúc”. Tại đây, có người đứng phân phát truyền đơn quảng cáo những dịch vụ như “Lấy vợ VN ngay tại chỗ với giá 9.000 đô la Singapore” hay dịch vụ sang trọng hơn lên đến 13.000 đô la Singapore. Bà Breama - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Nhân phẩm Phụ nữ tại Singapore - nói rằng: “Đây là một hành động không thể chấp nhận được,” bà kêu gọi. “Chính phủ Singapore phải có những biện pháp cụ thể để ngăn chận những việc này tái diễn và cho rằng, đây không khác gì như tình trạng buôn người mà thôi.
Người Tàu mua phụ nữ VN làm nô lệ tình dục và lấy nội tạng:
Theo bản tin Tân Hoa Xã, ngày 20/8, thông báo họ đang tiến hành điều tra vụ rất đông các cô gái VN trong khu làng thuộc huyện miền núi Song Phong trong tỉnh Hồ Nam bên Tàu bị mất tích. Gần đây, báo chí VN cũng đã nhiều lần đăng tin về những vụ lừa đảo thiếu nữ VN nhẹ dạ bán sang Hoa Lục làm gái mãi dâm hoặc làm cô dâu, nhưng họ tránh né không muốn đề cập đế một thực tế ghê rợn là họ bị đánh cấp nội tạng đem bán.
Buôn bán “thận” là một nghề đang nở rộ và cực kỳ béo bở ở Đại Lục. Nguồn cung cấp nội tạng từ học viên Pháp Luân Công, tù hình sự, người vô gia cư và đặc biệt Việt Nam hiện nay là nguồn cấp nội tạng vô tận cho các bệnh viện chuyên mổ lấy nội tạng ở Đại Lục. Tính theo thời giá hiện nay, mua một cô dâu VN giá di động từ 1.000 - 2.000 USD là cùng, còn giá trẻ em từ 500 - 1500 USD. Đem họ về Đại Lục, bán lại cho các lò mổ nội tạng sẽ có thu nhập từ 80.000 - 100.000 USD cho 2 quả thận, đó là chưa kể những bộ phận khác như tim, gan sẽ được giá cao hơn. Hầu hết các dịch vụ mua buôn người đều diễn ra tại các tỉnh vùng biên giới phía bắc như: Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng... với sự tiếp tay của chính quyền địa phương.
Ngàn giọt nước mắt rơi trên nỗi đau Dân Tộc:
Hình ảnh một cảnh sát Campuchia đang áp giải một bé gái VN 11 tuổi đời ra khỏi một động mãi dâm tại “khu đèn đỏ” Tuol Kork, Nam Vang. Có 6 bé gái VN từ 11 - 13 tuổi đã được cứu ra khỏi khu nhà thổ nầy. Các em đều bị chở sang đây qua ngã Tây Ninh hoặc Châu Đốc do các đường dây buôn người ở Việt Nam vận chuyển.
Tại khu đèn đỏ Svay Pak, cảnh sát Campuchia cứu thoát được ít nhất 36 em bé VN bị cưỡng bách bán dâm, nhỏ tuổi nhất dưới 10 tuổi đời. Quận ven đô có 5,6 nhà chứa ở các đường hẻm trong khu ổ chuột. Ông Khut Sopheang (công tố viên địa phương) nói: “22 người có vẻ trẻ hơn 10 tuổi, trong nhà chứa khác có 9 đứa trẻ gái từ 6 - 9 tuổi. Vài bé gái khác có lẽ chỉ mới 5 tuổi. Các em khóc khi chúng tôi tìm thấy các cháu,” ông nói. “Có tới 70% gái mãi dâm ở Campuchia đều là trẻ em VN, phần đông đến từ vùng ĐBSCL.”
Tại khu đèn đỏ ở Toul Kork hay Svay Pak, nơi nào cũng giống nhau. Hình ảnh những em bé gái VN thật đáng thương, tuổi đời chừng 5 tới 7 tuổi, thân mình mãnh mai yếu đuối, đứng chen chúc sau một khe hở của căn phòng dưới ánh đèn điện mờ mờ ảo ảo. Các em đang chờ cha, chờ mẹ, chờ chị, chờ anh tới đón các em về nhà? Không, không có một ai cho các em chờ đợi cả! Chỉ có những con yêu râu xanh rước các em đi vào địa ngục, các em sẽ bị chúng hành hạ thân xác đau đớn tột cùng, những cơn đau banh da xé thịt khi các em bị chúng phá hoại trinh tiết, các em nhỏ xấu số đáng thương phải tiếp khách từ 15 tới 20 lần một ngày. Còn nỗi đau đớn nào dành cho các em bé VN đáng tội nghiệp kia?
Kết luận:
Đài VOA đưa tin ngày 20/6/2013, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố: “VN là điểm xuất phát của nhiều công nhân XKLĐ sang nhiều quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... và nhiều người trong số đó phải làm việc như nô lệ khổ sai”.
Theo báo cáo “Phúc trình thường niên về nạn buôn người”,
nhiều công ty XKLĐ ở Việt Nam mà đa phần có liên hệ tới các “tập đoàn nhà nước”, cùng với các công ty trái phép đã lấy tiền môi giới đi XKLĐ ở nước ngoài với giá quá cao, khiến các công nhân vướng vào cảnh nợ nần chồng chất thuộc loại cao nhất trong các công nhân XKLĐ châu Á, nên họ buộc phải lao động khổ sai trong điều kiện rất tồi tệ để có tiền gởi về Việt Nam chỉ đủ để trả nợ.
Anh Trần Ngọc Sơn, một công nhân XKLĐ ở Nam Hàn cho biết: “Có nhiều công nhân XKLĐ phải bỏ ra rất nhiều tiền, quá nhiều so với quy định nhà nước,” anh nói. “Một số người nhà có điều kiện, họ không phải vay mượn. Nhưng, đối với một số gia đình nghèo, không đủ chi phí trang trải, họ phải đi vay nặng lãi. Một số người đi theo các đường dây đưa người ra nước ngoài thì họ phải chạy chọt này nọ.”
Phúc trình còn cho biết, nhiều công ty tuyển dụng VN chỉ cho phép người công nhân XKLĐ, đọc các hợp đồng ngay trước khi lên đường đi làm việc ở nước ngoài và buộc một số công nhân phải ký vào các hợp đồng viết bằng một thứ ngôn ngữ mà họ không thể hiểu được, trong đó có điều khoản chết người như: “Người công nhân hoàn toàn do chủ xử lý và sử dụng” điều nầy có nghĩa người công nhân XKLĐ thuộc quyền sinh sát của giới chủ nhân và không được một ai trợ giúp khi xảy ra các tình huống bất ngờ như vậy.
Theo báo cáo của Trafficking in Person ngày 15/7/2013, một trong những vấn đề là các công ty XKLĐ và lực lượng cò mồi trung gian thường xuyên thu phí quá cao so với quy định của pháp luật và công nhân XKLĐ của các nước khác ở châu Á, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần trong nhiều năm. Phần lớn trong số công nhân XKLĐ này muốn trở về VN sớm, thường thì 1 hoặc 2 năm và họ không có đủ tiền để trả nợ. Ngoài ra, các nạn nhân XKLĐ thường bị tịch thu hết các giấy tờ tùy thân, hộ chiếu hoặc thường xuyên bị lực lượng môi giới dọa trục xuất họ, để buộc họ làm việc trong điều kiện tồi tệ với mức lương thấp hoặc không trả lương.
Cũng theo báo cáo nầy, rất nhiều công nhân trong số nầy trở thành nạn nhân buôn người bị hệ thống “cò mồi” vô lương tâm hay các ông chủ buộc họ phải làm công việc ngoài thỏa thuận ban đầu trong điều kiện bị bóc lột vô cùng. Nhiều công nhân buộc phải đóng tiền tuyển dụng lên tới 7.700 USD, khoản nợ nầy rất lớn đối với họ.
Itar-Tass ngày 10/7/2013, đưa tin: Cơ quan di trú Liên Bang Nga và cảnh sát đã đột kích một khu công nghiệp ở phía đông Matxcova, bắt giữ 250 người VN cư trú bất hợp pháp. Hồi đầu tháng 5, RIA Novosti cũng trích nguồn tin cảnh sát Nga, nói đã bắt giữ khoảng 500 người VN nhập cư trái phép, đang làm việc bất hợp pháp tại một xưởng may áo khoác ở làng Malakhovka, Matxcova. Trước đó không lâu, vụ 15 thiếu nữ VN bị lường gạt sang Nga với những lời hứa hẹn việc làm, nhưng thực tế bị đẩy vào ổ mại dâm của tú bà Thúy An, cũng được báo giới đưa tin. Năm 2012, có hơn 100 công nhân XKLĐ Việt Nam nghề may mặc đưa sang Nga và bị ép làm việc như nô lệ cho đến khi cơ quan di trú Nga giải cứu và đưa họ về nước.
XKLĐ là một dịch vụ kiếm ăn không cần vốn rất béo bở nên Đảng & Nhà nước CSVN và Bộ LĐ-TB-XH và 154 doanh nghiệp nhà nước của chế độ giữ chặt lấy cơ hội vàng để bóc lột tham nhũng thả giàn, ngồi mát ăn bát vàng làm giàu trên xương máu của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét